Cuối tuần qua, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo nghiên cứu khoa học toàn quốc 2022 về giải pháp nâng cao giáo dục thể chất và thể dục thể thao (TDTT) Việt Nam, với sự tham dự của hơn 50 đại biểu đến từ các trường đại học, cao đẳng, trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia.
Mặc dù giáo dục thể chất là môn học bắt buộc trong trường học; nhưng do nhiều nguyên nhân, sinh viên chưa thật sự chú trọng, nhiều người học cho rằng TDTT chỉ là môn phụ nên có tâm lý xem nhẹ. Vì thế, việc nghiên cứu nâng cao hiệu quả hoạt động TDTT là hết sức cần thiết trong việc nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần sinh viên. Trong đó, việc nghiên cứu, tìm hiểu thực trạng các vấn đề đang tồn tại trong công tác giáo dục thể chất để có các biện pháp, giải pháp khắc phục là một trong những việc cần được quan tâm tại các trường đại học, cao đẳng.
Theo nhóm nghiên cứu của TS. Lê Tiền Đề, ThS. Huỳnh Minh Tâm (Trường Đại học Nam Cần Thơ) và ThS. Phạm Đức Hòa (Trường Đại học Đà Nẵng) các trường đại học, cao đẳng có sự đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT của sinh viên, phát triển hiệu quả giáo dục thể chất, nâng cao sức khỏe toàn diện cho sinh viên. Tuy nhiên, tình trạng chung là trong giờ học thể dục chính khóa thì nhu cầu và thái độ tập luyện của sinh viên chưa thật sự tích cực. Mục đích phát triển kỹ năng cho sinh viên khó có thể đạt được. Vì vậy, mục tiêu của nhóm nghiên cứu là tìm giải pháp hợp lý nhằm khắc phục được những tồn tại, giúp sinh viên hứng thú với giờ học thể dục.
Trong khi đó, theo nghiên cứu của TS. Trương Hoài Trung (Đại học Nha Trang), có 5 yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên khi tham gia học các học phần giáo dục thể chất là cơ sở vật chất, công tác tổ chức quản lý đào tạo, khả năng phục vụ, chương trình đào tạo và đội ngũ giảng viên. Nghiên cứu đưa ra những thông số đánh giá hiệu quả mức độ hài lòng của sinh viên đối với các yếu tố trên, qua đó đóng góp những căn cứ khoa học về lý thuyết, cũng như ứng dụng thực tiễn đối với công tác đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục thể chất.
Nhấn mạnh yếu tố công nghệ trong khoa học thể thao, GS.TS Lâm Quang Thành, nguyên Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục TDTT, cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, các nhà nghiên cứu, các tổ chức khoa học trong lĩnh vực TDTT cần có sự chủ động để có thể đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp TDTT. Đổi mới sáng tạo không chỉ nằm trong tư duy mà còn bao gồm việc ứng dụng tư duy đó vào thực tế. Nếu cố gắng thực hiện đổi mới sáng tạo, đội ngũ cán bộ, nhà khoa học của ngành TDTT hoàn toàn có thể tạo ra sự khác biệt và phát triển vượt bậc. Trong tương lai, khi quá trình số hóa và tự động hóa ngày càng được ứng dụng nhiều vào các mặt đời sống xã hội, thể thao sẽ trở thành nhu cầu quan trọng của tất cả mọi người.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực TDTT ở các trường đại học, cao đẳng vùng ĐBSCL đã có những bước phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Vì vậy, hội thảo khoa học về công tác giáo dục thể chất chính là cơ hội để tổng kết, đánh giá thực trạng và giải pháp giảng dạy, giúp rút ra những bài học kinh nghiệm, hướng tới những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục thể chất và các hoạt động thể dục thể thao từ các trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc.